Dù mới ra mắt thị trường Việt Nam nhưng thương hiệu ô tô Trung Quốc GAC đã phải đối mặt với những khó khăn đầu tiên khi nhiều người dùng cho rằng mức giá hãng đặt ra là quá cao.
Nhiều ý kiến từ người dùng Việt Nam nhận định rằng mức giá mà GAC đặt ra cho những mẫu xe mới của hãng là chưa hợp lý.
Ngày 20/08/2024, thị trường ô tô Việt Nam đón nhận thêm hai mẫu xe mới từ thương hiệu Trung Quốc GAC Motor là M8 và GS8.
GAC GS8 được định vị trong phân khúc SUV cỡ D, nơi đã có sự hiện diện của nhiều đối thủ nặng ký như Ford Everest, Hyundai Santa Fe, Kia Sorento,... Tại sự kiện ra mắt, GAC đã công bố giá bán cho hai phiên bản của GS8, gồm GL với giá 1,269 tỷ đồng và GT với giá 1,369 tỷ đồng.
Trong khi đó, M8 là mẫu MPV cỡ lớn, có tổng cộng 3 phiên bản là GL Master, GT Master và GX Master, giá bán lần lượt 1,699 tỷ, 1,799 tỷ và 2,199 tỷ đồng.
Với mức giá này, bộ đôi tân binh của GAC không chỉ phải chứng tỏ khả năng cạnh tranh bằng chất lượng và tính năng, mà còn cần phải thuyết phục khách hàng bằng những giá trị khác biệt so với các đối thủ hiện có.
Các mẫu xe khác cùng phân khúc đều có mức giá thấp hơn so với GS8 và M8, chẳng hạn như với GS8 là Hyundai Santa Fe giá từ 979 triệu - 1,269 tỷ đồng, Kia Sorento giá 964 triệu - 1,189 tỷ đồng, hay Ford Everest giá từ 1,099-1,545 tỷ đồng, còn GAC M8 là phương tiện đối đầu trực tiếp với Kia Carnival (giá 1,189-1,759 tỷ đồng) và Volkswagen Viloran, hiện có giá từ 1,989 tỷ đến 2,188 tỷ đồng.
Sau khi giá bán của hai mẫu xe mới đến từ GAC được chia sẻ rộng rãi, cộng đồng mạng Việt Nam đã có một phen bàn tán sôi nổi. Hầu hết người dùng đều cho rằng đây là mức giá cao hơn mặt bằng chung, vì thế sẽ không dễ để M8 và GS8 đấu lại các đối thủ.
“Có vẻ các hãng Trung Quốc nghĩ dân Việt Nam rất giàu. Chứ tầm tiền này thì người dùng có quá nhiều lựa chọn uy tín để chọn”.
“Có thể hãng muốn tung giá cao khẳng định chất lượng rồi sau ra bài giảm giá để cạnh tranh thị phần. Nhìn chung vẫn cần thêm thời gian để đánh giá.”
“Xe thiết kế đẹp, nhiều công nghệ, tốt bền hay không thì không dám phán, nhưng mà bảo bỏ ra hơn 1 tỷ đến 2 tỷ mua xe của họ thì sẽ ít người dám làm, nên họ sẽ vẫn bán được số ít, và vẫn ế thôi.”
"Xe Trung Quốc mà bán giá cao hơn cả xe Nhật Bản, Hàn Quốc thế này thì chỉ để trưng bày thôi chứ chắc chẳng ai mua được."
Mặc dù nhiều thương hiệu đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam, định kiến về xe Trung Quốc vẫn còn tồn tại. Hơn nữa, sự ưa chuộng xe Nhật Bản với quan niệm "ăn chắc, mặc bền" đã in sâu trong tâm trí của một bộ phận lớn người tiêu dùng qua nhiều thập kỷ.
Điểm chung dễ nhận thấy ở các thương hiệu ô tô Trung Quốc khi xâm nhập vào thị trường Việt Nam là giá thành quá cao, khiến nhiều người tiêu dùng "khó lòng chấp nhận" do nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Theo ý kiến của các chuyên gia, ô tô vẫn là một tài sản lớn đối với đại đa số người dân Việt Nam, và yếu tố được quan tâm đầu tiên cũng như quan trọng nhất khi mua xe chính là giá bán, tiếp đó mới là nguồn gốc xuất xứ, nhu cầu sử dụng, cùng các trang bị đi kèm.
Ngay ở yếu tố quan trọng nhất là giá bán, GAC Motor đã "tự đánh mất" cơ hội của mình tại thị trường Việt Nam bằng việc công bố mức giá quá cao, đồng thời gia nhập vào các phân khúc kén chọn với giá lên đến tiền tỷ.
Tại Trung Quốc, nhiều hãng xe đạt được doanh số lớn nhờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng ở Việt Nam, tình hình lại hoàn toàn khác biệt khi họ phải cạnh tranh sòng phẳng. Việc xây dựng đại lý và hệ thống hậu mãi cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định mua xe của người tiêu dùng.